Hai thập niên trước, Guido Rossi, quyền Chủ tịch của Liên đoàn bóng đá Ý sau khi Franco Carraro phải từ chức vì Calciopoli bắt đầu bị phanh phui, đã nói với báo chí hôm nhậm chức: “Công lý trong thể thao là điều đầu tiên chúng ta cần quan tâm”.

1. “Mọi thứ phải minh bạch và ít mờ ám hơn. Bóng đá không thể tha thứ cho sự gian lận; cấu trúc của các đội bóng phải minh bạch” – Rossi nhấn mạnh.

Juventus sau đó phải xuống hạng. Milan bị trừ 30 điểm, cùng với Fiorentina (bị trừ 15 điểm), Lazio (đá 2 trận không khán giả, không được dự UEFA Cup) và Reggina (bị trừ 11 điểm). Công lý đã được thực thi.

Rossi, khi đó 75 tuổi, là một giáo sư luật học, thượng nghị sĩ. Không ai nghi ngờ gì về tình yêu công lý của ông này. Nhưng sau đó người ta phát hiện ra rằng ông này vốn là một… Interista.

Công ty truyền thông Telecom Italia là đơn vị đã cung cấp các băng ghi âm những cuộc điện thoại của Moggi và nhiều quan chức khác. Ông chủ Telecom Italia lại là Tronchetti Provera, cổ động lớn thứ hai của Inter bấy giờ, chỉ sau chủ tịch Massimo Moratti.

Công ty này đã ỉm đi các cuộc gọi điện dàn xếp tỉ số của Inter, và chỉ công bố sau đó 4 năm, khi thời hiệu vụ án đã hết. AC Milan cũng may mắn tránh được xuống hạng vì ông chủ của đội bóng khi ấy là đương kim Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi, và hệ thống kênh Mediaset chính là đơn vị bao thầu phát sóng Serie A.

Một chiến dịch đòi lại công lý về cơ bản đã kết thúc như thế: Những kẻ không bị trừng phạt nặng đều có lý do, liên quan đến lợi ích và kết cấu quyền lực.

2. Bây giờ, một chiến dịch công lý khác đang gây ồn ào: Manchester City, đội đã vô địch Anh 6/7 mùa giải gần đây, dính tổng cộng 115 cáo buộc nghiêm trọng từ tháng 2/2023. Quy mô của các vi phạm tài chính này là chưa từng thấy trong bóng đá Anh và, nếu được chứng minh, sẽ gây tổn thất lớn đến đế chế được xây dựng trong những năm Sheikh Mansour sở hữu CLB.

Cafe đầu tuần: Ai sẽ làm Man City xuống hạng? - Ảnh 1.

City kiên quyết phủ nhận các cáo buộc tài chính kéo dài qua 9 mùa giải phát triển nhưng phải chờ để làm sáng tỏ danh tiếng của mình trước một ủy ban độc lập. Tuy nhiên, phán quyết cuối cùng vẫn còn là một triển vọng xa vời.

Đây là một trong những cáo buộc nghiêm túc, xuất phát từ tháng 3/2019, khi Theresa May còn là Thủ tướng Anh còn Erling Haaland vẫn còn là một tân binh ở Red Bull Salzburg.

Đó là thời điểm Premier League xác nhận đang điều tra Manchester City dựa trên các tiết lộ từ Football Leaks được đăng tải trên tờ Der Spiegel của Đức.

Cụ thể, City bị cáo buộc đã chuyển tiền vào CLB thông qua các hợp đồng tài trợ phóng đại với các công ty có trụ sở tại UAE, cũng như che giấu một số chi phí bằng cách giữ lương và khoản thanh toán quyền hình ảnh ra ngoài sổ sách.

UEFA không mất nhiều thời gian để đưa ra án phạt: Họ cấm City tham gia các giải đấu của mình trong hai năm và phạt 30 triệu euro (26 triệu bảng) vào tháng 2/2020 vì vi phạm các quy tắc Công bằng Tài chính (FFP).

Nhưng rất bí ẩn, City đã thành công trong việc kháng cáo lại phán quyết đó với Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS). Lệnh cấm được gỡ bỏ và mức phạt tài chính giảm xuống còn 10 triệu euro.

Trong suốt thời gian đó, City đã cố gắng hết sức để tránh một cuộc điều tra của Premier League. Đội ngũ luật sư của câu lạc bộ đã thách thức quyền tài phán của các trọng tài Premier League và cũng chống lại một yêu cầu tiết lộ thông tin.

Tất cả nén lại và dồn đến vào ngày 6/2/2023, khi Premier League thông báo 115 cáo buộc chống lại City đã được chuyển đến một ủy ban độc lập. City đã phản ứng bằng cách nói rằng họ có một “tập hợp các bằng chứng không thể chối cãi” để chứng minh rằng họ không làm gì sai.

Trong 18 tháng qua, Everton (hai lần) và Nottingham Forest đã bị trừ điểm vì các cáo buộc vi phạm Quy định Tài chính của Premier League, và người ta đang chờ đợi những phán quyết thực sự giáng lên đầu một đội bóng đã tạo ra ảnh hưởng lớn đến Premier League như Man City. Tất cả đều chờ đợi công lý.

Nhưng có lẽ cũng không có gì ngạc nhiên nếu City đi qua giông bão mà chẳng hề hấn gì. Họ đã là một thế lực của bóng đá Anh, từ thành tích đến hình ảnh. Họ có đủ tiền để theo bất cứ vụ kiện nào. Trừng phạt City là động vào kết cấu quyền lực và lợi ích ngầm.

“Công lý trong thể thao là điều đầu tiên chúng ta cần quan tâm” – Lại nhớ câu của Guido Rossi. Điều đầu tiên này thực tế lại là điều cuối cùng chúng ta cần quan tâm. Man City giờ đã quá lớn để sụp đổ (too big to fail).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *