Site icon DA88

“Tạo hương” Đông Sơn (kỳ 3): Chân dung một vị “thần hương liệu” Đông Sơn

"Tạo hương" Đông Sơn (kỳ 3): Chân dung một vị "thần hương liệu" Đông Sơn - Ảnh 1.

Trong số hàng trăm lồng đốt trầm Đông Sơn hiện lưu truyền ở các bảo tàng và trong giới sưu tầm cổ vật trong, ngoài nước thì chiếc lồng đốt trầm đang trưng bày tại Nhà hàng Trống Đông Sơn (Dongson Drum Restaurant) trên phố Trần Đăng Ninh (Hà Nội) có thể coi như là chiếc duy nhất có phần tay cầm là một vị nam thần.

1. Như tôi đã giới thiệu sơ qua trong buổi “rì rầm” tuần trước, phần tay cầm của đa số các lồng đốt trầm Đông Sơn thể hiện phần thân cổ đầu rồng tương ứng với hình tượng chim công đứng múa trên đỉnh nắp đậy lồng đốt. Chiếc lồng đốt Đông Sơn bày tại nhà hàng Trống Đông Sơn lại không như vậy, thay vào đó là một bức tượng người đúc rỗng, hai tay ôm nâng giơ về phía trước bát đựng trầm với nghi ngút khói thơm tỏa vờn qua chiếc nắp nhiều lỗ thủng được phủ đầy hoa lá và chim muông.

Ở vị trí trung tâm là tượng một chim công tung cánh xòe đuôi nhảy múa. Khi sử dụng, nhờ bản lề, nắp lồng được mở ra để nhận vật liệu đốt thơm vào lòng bát đồng bên dưới. Để di chuyển, chủ nhân có thể cầm vào phần lưng bức tượng mà không sợ bị nóng khi vật liệu thơm bên trong đang đượm cháy.

Bây giờ sẽ là lúc chúng ta bình tâm ngồi thưởng mùi hương liệu ngan ngát bay ra từ khói lồng đốt và ngắm bình về bức tượng làm tay cầm. Trong phần viết về các sáng tạo hình tượng của chân đèn, tôi đã từng hết lời ca ngợi tài năng tạo dáng và thổi hồn của nghệ nhân Đông Sơn vào chủ đề thiêng liêng của nghệ thuật “tạo sáng” – trong đó, một trong những đỉnh cao là việc tôn vinh các vị thần ánh sáng. Nghệ thuật “tạo hương”, “thưởng hương” Đông Sơn cũng đã thu hút tài năng sáng tạo và trình độ thẩm mỹ cao của các chủ nhân quý tộc cũng như các thợ cả đúc đồng tạo tượng Đông Sơn.

2. Bức tượng lồng đốt trầm mà chúng ta đang bàn tới thực chất là một vị thần hương liệu. Nếu đã thông thuộc cách mà nghệ nhân Đông Sơn tô điểm và trân trọng với những vị thần đèn, chúng ta dễ nhận ra sự trân quý của họ với vị thần sẽ mang dâng hương thơm đến với thần linh trong các nghi lễ tâm linh Đông Sơn cổ xưa.

Vị nam thần quỳ hai gối, gấp chân thành phần chân đế vững chắc cho chiếc lồng ấp. Hai tay đưa ra phía trước, trên đó là khối lồng ấp gồm phần bát chứa bên dưới và nắp nhiều lỗ thủng hở bên trên. Tôi sẽ mô tả phần lồng ấp này sau, để tập trung vào phần tượng thần mang chức năng tay cầm cho lồng ấp.

Vị nam thần cuốn trên đầu một chiếc khăn kiểu Ấn Độ với phần kéo dài ra phía trước trán tạo thành một bông hoa loa kèn tám cánh. Cắm giữa nhụy hoa là một que đồng có chuôi hình vòng khuyên, khiến người xem có cảm giác như có thể dùng chiếc que đó khều khoáy, lấy ra từ bên trong não bộ của vị thần một chất tinh dầu thơm quý giá nào đó. Bao quanh thái dương và gáy đầu vị thần là hàng chục đụn tròn dễ gợi cảm giác như các đụn tóc xoắn ốc trên đầu đức Phật, nhưng ở đây có dáng dấp như những đóa hoa. Chính sau chỏm gáy, vị trí của búi tó cũng là một đụn hoa lớn hơn cả như đối trọng với bông loa kèn phía trước trán. Điều này càng giúp xác nhận vai trò vị thần hương liệu của bức tượng.

Cũng như vị thần ánh sáng trên cây đèn Lạch Trường, vị thần trên chân đèn đôi rồng cuốn và trên chân đèn hình ba đỉnh núi… vị thần hương liệu này cũng cởi trần, đóng khố và luôn được đeo tệp vòng đá quý trên cổ, khuôn mặt dài, lông mày dày rậm, mũi cao, thẳng và đặc biệt cặp mắt rộng đang mở rất to nhìn thẳng vô định về phía trước.

Thực hiện chức năng của mình là “dâng hương”, hai tay vị thần kính cẩn bưng lồng đốt hương liệu đưa về phía trước. Lồng hương liệu ở đây khá nhỏ, đường kính chỉ khoảng 7cm, có dáng dẹt hình quả thị. Phần bát chứa hương liệu bên dưới kín, trong khi phần nắp đậy nhiều lỗ thủng được tạo ra bởi nghệ thuật tạo khuôn sáp với những hình dây hoa đào năm cánh, cành lá đan bện và năm con chim đậu giang cánh bên trên. 4 con chim nhỏ cùng loài đậu xòe cánh ở 4 góc trong khi 1 con lớn dáng chim công với đuôi tán to xòe rộng ở chính giữa.

Bản lề để đóng mở nắp là một ốp đồng đúc liền gắn với phần thân dưới lồng đốt. Nắp bên trên có một tai ngoàm nằm giữa ốp đó. Một que đồng xuyên qua ba lỗ đã thủng sẵn ở phần chốt bên dưới và phần tai ngoàm bên trên, tạo ra cái bản lề để có thể lật nắp ra úp vào một cách dễ dàng, tương đối chính xác và khít với vành miệng bát bên dưới. Thông thường, sẽ có một móc gài ở đối diện phía bên kia bản lề để đảm bảo nắp không bị tự bung mở ra khi đang đốt hương liệu.

Do chốt bản lề trong trường hợp lồng đốt này đặt ở bên trái nếu nhìn thẳng từ phía trước mặt tượng thần (hay là phía tay phải của bức tượng), nên hướng lồng đốt nhìn về trục đối diện (tức hướng tay trái của tượng thần). Điều này có thể nhận ra chính là hướng quay đầu của tượng chim công trên đỉnh nắp. Tượng chim công này đảm nhiệm luôn chức năng của nắp vung. Khi muốn mở nắp lồng đốt, chủ nhân cầm phần đầu, cổ chim công để mở ra, đóng vào.

3. Trong những tuần sau, chúng ta sẽ lần lượt khảo sát một số kiểu lồng đốt hương liệu khác với tư cách là những tác phẩm mỹ thuật đáng được chiêm ngưỡng của tổ tiên thời Đông Sơn. Tôi muốn dành chiếc đầu tiên khi lồng đốt gắn với chân dung một tượng thần hương liệu.

Thế giới thần linh Đông Sơn khá phong phú đa dạng, đặc biệt khi bước vào thời kỳ xã hội Đông Sơn tiếp nhận và chịu những biến động xã hội to lớn. Trước đây, chúng ta do thiếu hiểu biết nên dễ dàng và cẩu thả gạt những thứ “khang khác” Đông Sơn sang một phạm trù thuộc “Hán”. Trong hơn 10 năm tham dự các Hội nghị quốc tế chuyên đề về “Văn hóa Hán” và nhiều tài liệu liên quan, tôi nhận ra rất nhiều thứ thời Giao Chỉ thuộc Hán không có trong di sản Hán Trung Nguyên. Đông Sơn thời thuộc Hán đã tạo ra một nền văn minh vật chất riêng, rất độc đáo và nhiều sáng tạo. Khi được các chuyên gia nước ngoài hỏi, tôi đã nêu hai thuật ngữ để chỉ sự tương đồng và khác biệt này trong truyền thống Đông Sơn, đó là “văn hóa Lạch Trường” (2001) mà Olop Janse đã từng dùng và “Thời Giao Chỉ” (Dongsonian Jiaozhi Period) (2008).

Chúng ta sẽ có nhiều thời gian để quay lại chủ đề này để hiểu rõ bức tranh văn hóa tâm linh Đông Sơn giai đoạn đó trên nền tảng Đông Sơn bản địa hòa lẫn với vai trò không nhỏ của những tác động Ấn Độ hóa do thương nhân và tăng lữ Ấn Độ để lại hoặc trực tiếp từ phía Tây hoặc thông qua các văn hóa láng giềng phương Nam… Hẹn gặp các bạn ở tuần sau.

(Còn nữa)

Exit mobile version
Chuyển đến thanh công cụ