29 người thiệt mạng, 1.609 người bị thương, 4 người mất liên lạc; thiệt hại về tài sản khoảng 24.223 tỷ đồng… là thông tin được UBND tỉnh Quảng Ninh công bố tại Hội nghị tổng kết công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3. 

Hội nghị được tổ chức ngày 21/9 và kết nối trực tuyến đến các điểm cầu cấp huyện và 177 điểm cầu cấp xã.

Thành phố Hạ Long là địa phương thiệt hại nặng nề nhất với trên 8.765 tỷ đồng; tiếp đó là huyện Vân Đồn trên 3.693 tỷ đồng, thành phố Uông Bí khoảng 3.200 tỷ đồng… Bão tan, hậu quả và những bài học, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống, khắc phục cần phải được lưu tâm, đặc biệt là hệ thống thông tin liên lạc.

Quảng Ninh khẩn trương khôi phục, tái thiết sau bão số 3 - Ảnh 1.

Bão số 3 được nhận định là siêu bão chưa từng có, đổ bộ vào Quảng Ninh trong thời gian qua. Tâm bão đi thẳng vào vùng biển và đất liền tỉnh Quảng Ninh, do đó dù đã nắm bắt và chủ động ứng phó song địa phương vẫn phải hứng chịu thiệt hại rất nặng nề, bằng 1/2 thiệt hại của cả nước do bão số 3 gây ra.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trịnh Thị Minh Thanh ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tinh thần trách nhiệm, sự chủ động và nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị toàn tỉnh, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân và sự hỗ trợ các cơ quan, đơn vị Trung ương; sự hỗ trợ lớn của ngành điện, nước, viễn thông các tỉnh bạn giúp Quảng Ninh sớm khôi phục lại hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc, nước sinh hoạt. Đến nay, con số thống kê về thiệt hại do bão số 3 chưa phải là con số cuối cùng và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh mong muốn toàn thể nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ phát huy nội lực để tái thiết, từng bước ổn định toàn diện cuộc sống.

Quảng Ninh khẩn trương khôi phục, tái thiết sau bão số 3 - Ảnh 2.

Theo ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, các ngành liên quan cần nghiên cứu hoàn thiện bộ cẩm nang hướng dẫn công tác phòng, chống, ứng phó với bão, với biến đổi khí hậu, thiên tai… Các ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất đánh giá thiệt hại của bão số 3, phải làm rõ bức tranh tổng thể thiệt hại toàn tỉnh, phản ánh tổng quan từng địa phương, ngành, lĩnh vực, để vừa làm căn cứ cho các quyết sách về kinh tế – xã hội, kế hoạch khắc phục, tái thiết sau bão, vừa làm cơ sở để giải quyết các chính sách. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác cứu nạn, cứu hộ đảm bảo nhanh nhất, sớm nhất có thể.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các ngành tham mưu cho tỉnh các đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương về sửa đổi các tiêu chuẩn, quy phạm thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm tập trung đầu tư một số công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Quảng Ninh khẩn trương khôi phục, tái thiết sau bão số 3 - Ảnh 3.

Để sớm khôi phục nền kinh tế, tỉnh Quảng Ninh báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi bão và mở rộng đối tượng hỗ trợ là doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 02 của Chính phủ; chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu cho khoanh, giãn nợ theo hướng được áp dụng đối với ngành du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp; chỉ đạo ngân hàng thương mại có chính sách giảm lãi suất; chính sách cho các hộ sản xuất bị thiệt hại nặng nề bởi bão được vay vốn…

UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định thành lập tổ công tác để xây dựng Đề án “Khôi phục tái thiết lại tỉnh Quảng Ninh sau bão”, với quyết tâm cao nhất xây dựng tỉnh Quảng Ninh sau bão phát triển hơn, đặc biệt là khắc phục được những điểm yếu, phát huy được thế mạnh của tỉnh, phấn đấu giữ vững tăng trưởng trên 10% năm 2024, là năm thứ 10 liên tiếp, đạt một thập kỷ tăng trưởng 2 con số.

Quảng Ninh khẩn trương khôi phục, tái thiết sau bão số 3 - Ảnh 4.

Chia sẻ về kinh nghiệm về công tác ứng phó với bão số 3, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Nguyễn Việt Dũng cho biết, phải chủ động nắm chắc tình hình, diễn biến của bão qua nhiều kênh thông tin từ sớm, từ xa; phải quyết liệt, kịp thời, chủ động trong chỉ đạo; đảm bảo thống nhất, thông suốt đầu mối. Quan điểm phòng là chính, tính mạng con người là trên hết.

Để làm tốt công tác ứng phó với bão và xử lý những tình huống phát sinh, Bí thư huyện Cô Tô đề xuất, tỉnh cần lắp đặt các hệ thống cảnh báo, báo động khi có thiên tai ở từng khu dân cư hoặc từng địa phương cấp huyện. Bên cạnh đó, cần có hệ thống thông tin liên lạc dự phòng trong trường hợp giao thông bị chia cắt, mất điện và mất hoàn toàn mạng viễn thông như tình huống bão số 3 vừa qua. Huyện Cô Tô đề nghị tỉnh chỉ đạo xây dựng, cập nhật lại bản đồ phân vùng rủi ro các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai của toàn tỉnh, rút kinh nghiệm cho những thế hệ sau để ứng phó hiệu quả với thiên tai.

Dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, trong đó có tập thể và 3 cá nhân của Cơ quan TTXVN thường trú tại Quảng Ninh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *